-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
02/05/2019
Hội chứng suy giảm miễn dịch ở mèo ( FIV )
Hội chứng suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV) là bệnh nhiễm trùng quan trọng đối với họ nhà mèo, có mặt khắp nơi trên thế giới do một loại virus thuộc họ Retrovirus gây ra. Đó là loại virus cùng họ với virus giảm bạch cầu ở mèo (FeLV) và virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người là HIV.
Loại virus này được phát hiện đầu tiên ở những chú mèo tại một vùng dịch của Bắc California vào năm 1986, người ta đã nhận thấy những dấu hiệu của bệnh trên cơ thể mèo tương tự với biểu hiện của người bị nhiễm HIV - virus gây ra Hội chứng suy giảm miễm dịch ở người. Mèo nhiễm virus FIV sẽ mất khả năng miễn dịch, dễ dàng mắc các căn bệnh nhiễm trùng và ung thư do sự tấn công của các loại virus và vi khuẩn của các bệnh này.
FIV lây lan như thế nào?
Cũng giống như HIV chỉ lây nhiễm cho người, virus FIV chỉ lây truyền qua mèo và không lây lan sang các loại động vật có vú khác, FIV cũng không lây sang người và không có nguy cơ lây nhiễm từ những người tiếp xúc với mèo dương tính với FIV cho những chú mèo bình thường khác.
Virus FIV rất dễ bị vô hiệu hóa bởi tia cực tím, nhiệt độ cao, chất tẩy rửa... và FIV thường lây lan thông qua vết cắn từ nước bọt của mèo bệnh nhiễm vào máu và không lây qua đường hô hấp, ăn uống. Mèo đực có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 lần mèo cái vì thói quen cắn nhau.
Ngoài ra, mèo mẹ bị nhiễm bệnh trong khi mang thai hoặc cho con bú có thể lây nhiễm cho mèo con vì FIV cũng có trong tử cung và sữa mèo dù rất hiếm. Mèo mẹ bị nhiễm FIV trước khi mang thai thường không lây truyền qua mèo con.
Các giai đoạn và Triệu chứng
Mèo bị nhiễm FIV trải qua ba giai đoạn của bệnh, giống như nhiễm HIV ở người.
1. Giai đoạn đầu hoặc cấp tính: Ở giai đoạn này bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, sưng hạch bạch huyết, da nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng đường ruột . Thường xảy ra 4-6 tuần sau khi tiếp xúc với virus FIV.
2. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tiềm ẩn hoặc cận lâm sàng: Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm và thường không có triệu chứng gì rõ rệt. Trong giai đoạn này , hệ thống miễn dịch có thể từ từ bị phá hủy và khi suy giảm miễn dịch trở nên trầm trọng, giai đoạn thứ ba của nhiễm trùng sẽ xảy ra.
3. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn cuối giống như AIDS và xảy ra phổ biến nhất ở mèo 5-12 tuổi. Trong giai đoạn lâm sàng cuối cùng này, hệ thống miễn dịch của mèo không thể hoạt động vì virus FIV đã giết chết các tế bào miễn dịch trong hệ thống. Do đó, cơ thể mèo rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Thông thường, chúng rất khó gây ra bệnh nặng ở mèo. Nhưng kể từ khi không bị kiểm soát bởi hệ thống miễn dịch, chúng sẽ được nhân lên nhanh chóng và gây bệnh. Các căn bệnh này được gọi là nhiễm trùng cơ hội.
FIV thường gây bệnh thông qua ức chế miễn dịch - các phản ứng miễn dịch bình thường của mèo bị tổn hại, dẫn đến nhiễm trùng và bệnh tật khác tăng lên. Không có dấu hiệu cụ thể ở mèo mắc bệnh FIV, nhưng mèo bị nhiễm FIV sẽ gia tăng những cơn tái phát các bệnh nhiễm trùng, bệnh dần dần tồi tệ hơn theo thời gian và dù được điều trị lâu dài cũng không mang lại kết quả như mong đợi.
Mèo bị nhiễm FIV thường dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng khác với các triệu chứng như:
- Nhiễm trùng răng miệng : Nhiễm trùng răng miệng thường xảy ra ở khoảng 50% số mèo bị nhiễm FIV. Triệu chứng của chúng là bị đau khi chạm vào vùng mặt, gặp khó khăn trong ăn uống hoặc không chịu ăn uống và có thể có mùi hôi xung quanh miệng .
- Bệnh về đường hô hấp: Khoảng 30% mèo nhiễm FIV có thể mắc bệnh về đường hô hấp như hắt hơi và chảy nước mũi . Những triệu chứng này có thể là do nhiễm trùng vi khuẩn Rhinotracheitis hoặc Calicivirus. Ngoài ra, mèo cũng có thể bị viêm phổi, ho và khó thở.
- Bệnh về mắt: Cùng với dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp như trên, mèo cũng có thể có dấu hiệu của các bệnh về mắt như đỏ mắt , chảy nước và đục giác mạc.
- Bệnh về đường tiêu hóa: Tiêu chảy mãn tính có thể xuất hiện trong 10-20% mèo nhiễm FIV
- Nhiễm trùng da và tai: Nhiễm trùng tái phát hoặc mãn tính ở da và tai có thể là dấu hiệu đầu tiên của mèo nhiễm FIV . Vì sự suy giảm miễn dịch, ký sinh trùng, nấm men và vi khuẩn mọc che và gây ra các triệu chứng như rụng lông , ngứa và mụn mủ... những điều này là bất thường ở mèo khỏe mạnh.
- Bệnh về thần kinh: Những thay đổi trong hành vi, mất kiểm soát, trí nhớ sa sút có thể được nhìn thấy ở mèo nhiễm FIV.
- Hạch: Mèo nhiễm FIV dễ bị các hạch bạch huyết ở bụng và các phần khác của cơ thể
- Thiếu máu: Bệnh thiếu máu thường có trong khoảng 1/3 mèo nhiễm FIV.
- Ung thư: Mèo nhiễm virus FIV có khả năng bị ung thư hạch và ung thư máu hơn gấp 5 lần mèo không bị nhiễm bệnh .
Chẩn đoán
Mèo nhiễm FIV được phát hiện qua các xét nghiệm nhằm phát hiện các kháng thể của mèo với virus FIV, vì kháng thể chống lại FIV được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của mèo khi bị nhiễm trùng do đó nếu kháng thể có mặt trong máu thì virus cũng sẽ có trong máu. Phương pháp xét nghiệm sàng lọc được gọi là phương pháp ELISA và xét nghiệm khẳng định được gọi là Western Blot. Ngoài ra xét nghiệm để phát hiện kháng nguyên ( protein từ virus ) được gọi là xét nghiệm PCR cũng có thể được sử dụng để xác định một con mèo bị nhiễm FIV nhưng thường tốn kém hơn.
+ Lưu ý, dù chú mèo của bạn đã được kiểm tra FIV trước đó nhưng cũng nên được thực hiện các kiểm tra một lần nữa khi :
- Bị bệnh: Cho dù kết quả kiểm tra trước đó là chú mèo của bạn âm tính với FIV. Bởi vì nhiều dấu hiệu như sốt, viêm miệng - nhiệt miệng, nôn mửa, tiêu chảy là dấu hiệu rõ ràng của các bệnh thông thường nhưng các dấu hiệu khác của việc nhiễm trùng FIV lại rất khó nhận biết bao gồm những thay đổi trong hành vi và thói quen ăn uống, sinh hoạt của mèo.
- Khi mèo bắt đầu vào nhà mới: Mèo ở mọi lứa tuổi đều cần được kiểm tra FIV trước khi bước vào một hộ gia đình với những con mèo khác.
- Khi mèo sống chung với gia đình mèo trong đó có một con mèo khác bị nhiễm FIV , hoặc là trong khu vực có mèo nhiễm FIV nguy cơ cao (ví dụ như mèo hoang...)
- Sau khi tiếp xúc với mèo bệnh: Khi biết mèo đã tiếp xúc với mèo bệnh, những chú mèo bị nhiễm FIV hoặc tình trạng chưa rõ ràng thì nên tiến hành kiểm tra ngay. Nếu xét nghiệm thu được là âm tính, thì việc kiểm tra nên phải được lặp lại tối thiểu sau 60 ngày.
Ngoài ra, có một điều rất quan trọng cần lưu ý là: Phải mất ít nhất 8 đến 12 tuần sau khi nhiễm bệnh thì các xét nghiệm mới có thể phát hiện kháng thể. Vì vậy , chú mèo nên được kiểm tra lại trong khoảng 8 đến 12 tuần sau khi được kiểm tra gần nhất để có kết quả chính xác nhất. Một chú mèo với một tình trạng nhiễm trùng không rõ ràng hoặc chưa xác định nên được kiểm tra một lần, sau đó cần các xét nghiệm lần nữa trong 8 đến 12 tuần.
Điều trị
Thực tế thì vẫn chưa có kháng thể để điều trị một cách cụ thể đối với mèo nhiễm FIV. Và vì mèo có thể mang vi khuẩn trong một thời gian dài trước khi các triệu chứng xuất hiện, nên việc điều trị tập trung chủ yếu vào việc kéo dài giai đoạn không có triệu chứng, hoặc khi các triệu chứng dần biểu hiện ra, nhằm giảm bớt các hoạt động của vi khuẩn theo các dấu hiệu của căn bệnh mà mèo đang mắc phải.
Trong suốt quá trình điều trị, chú mèo cần được cung cấp chế độ chăm sóc đặc biệt, dinh dưỡng tốt và tiêm kháng sinh các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Nếu chú mèo của bạn là mèo đực, thì chú nên bị thiến để giảm nguy cơ chiến đấu và lây lan nhiễm trùng. Ngoài ra, nên nhốt mèo bệnh trong nhà để hạn chế việc lây lan bệnh sang mèo khác.
Duy trì dinh dưỡng chất lượng tốt - tránh thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc với ký sinh trùng và vi khuẩn có thể gây bệnh.
Duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe cho chú mèo của bạn như thường xuyên diệt bọ chét, tiêm chủng phòng bệnh...
Chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp bệnh FIV tùy theo giai đoạn và những bệnh đang mắc phải nhằm ức chế sự gia tăng của bệnh và vi khuẩn trong cơ thể có thể giúp mèo nhiễm FIV duy trì chất lượng cuộc sống trong một thời gian dài.
Phòng bệnh
Cách tốt nhất để ngăn không cho chú mèo của bạn nhiễm virus FIV là giữ chúng ở trong nhà, tránh bất kỳ cơ hội tiếp xúc với mèo bị nhiễm bệnh. Nếu đi dạo và muốn cho chú mèo đi cùng, bạn nên giữ chúng bằng một sợi dây xích.
Và nếu chú mèo của bạn được gởi gắm đến những nơi hoặc những ngôi nhà với những chú mèo khác thì cần chắc chắn rằng tất cả các chú mèo đều có kết quả thử nghiệm âm tính với FIV. Ngược lại, bất kì chú mèo nào trước khi vào nhà bạn cũng cần đã thông qua những cuộc kiểm tra FIV trước đó.
Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ thú y về vaccin FIV và tiêm ngừa vaccin FIV nếu nó là thích hợp cho chú mèo của bạn.